Thực hiện chủ trương tập trung mọi nguồn lực để tăng tốc nâng cao chất lượng đào tạo, đưa Đại học Đại Nam trở thành “địa chỉ đào tạo đầu tiên được người học tin tưởng lựa chọn”, vừa qua, TS. Lê Đắc Sơn-Chủ tịch Hội đồng trường đã có buổi gặp mặt nói chuyện với toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên về chiến lược phát triển và những chính sách hành động trong giai đoạn mới của nhà trường.

Với tư cách người đứng đầu nhà trường và có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác quản lý, vận hành doanh nghiệp, TS. Lê Đắc Sơn khẳng định: Chiến lược phát triển của Đại học Đại Nam là lợi thế cạnh tranh của nhà trường, giúp xác lập vị trí trên hệ thống giáo dục mà nhà trường muốn đạt đến, đồng thời giúp xác định cách thức khác biệt nhà trường cần phải làm để đạt được vị thế mình mong muốn. Ngoài việc xác định chiến lược phát triển đúng đắn, người đứng đầu tổ chức phải có trách nhiệm công khai chiến lược phát triển đến từng cán bộ, giảng viên, nhân viên để tất cả các nhân sự thấu hiểu, đồng lòng thực thi.

Ngay từ khi ra đời, Trường Đại học Đại Nam đã đề ra chiến lược phát triển bằng việc xác định rõ ràng sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi và các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn trong từng thời kỳ phát triển.

Theo đó, 03 điểm chủ chốt trong chiến lược phát triển của Đại Nam trong giai đoạn mới là: 1, Lợi thế cạnh tranh. 2, Xác định vị thế trên thương trường. 3, Tạo sự khác biệt. Trong đó, TS. Lê Đắc Sơn đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt. “Chúng ta phải tạo được sự khác biệt mà các trường đại học khác không có và nếu họ có muốn bắt chước chúng ta cũng phải mất 5-10 năm mới có thể làm theo,” TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.

Chuỗi các quyết định nhất quán định hướng tương lai dài hạn

Để thực hiện chiến lược phát triển, Đại Nam đã có chuỗi các quyết định nhất quán nhằm định hướng tương lai dài hạn, tạo kết quả vượt trội và sự đột phá về chất trong công tác đào tạo.

Đầu tiên, về xác định sứ mệnh: Trường Đại học Đại Nam là trường đại học cung cấp dịch vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội; người học ra trường phải có cuộc sống tốt và trở thành công dân tốt.

Lý giải vì sao lấy đích người học ra trường có cuộc sống tốt và trở thành công dân tốt, TS. Lê Đắc Sơn giải thích:“Sinh viên ra trường có cuộc sống tốt tức là có công ăn việc làm phù hợp với trình độ năng lực, có thu nhập tốt để nuôi sống bản thân và gia đình. Công dân tốt là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống có trách nhiệm với công việc, gia đình, bạn bè và làm việc theo pháp luật, có tầm ảnh hưởng đến quốc gia, quốc tế. Đại học Đại Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện sứ mệnh đó…”

Thứ hai, về xác định tầm nhìn. TS. Lê Đắc Sơn khẳng định đây là việc làm khó khăn đối với mọi tổ chức; là nhiệm vụ cực kỳ quan trong của người đứng đầu nhà trường.

Xác định tầm nhìn chính là trở lời câu hỏi Trường Đại học Đại Nam sẽ như thế nào sau 10, 20, 30 năm và xa hơn nữa? Đến bao giờ, Đại học Đại Nam trở thành địa chỉ đầu tiên được người học lựa chọn?

Với tầm nhìn của mình, Đại Nam lấy khối sức khỏe gồm các ngành Y, Dược, Điều dưỡng là trục đào tạo cốt lõi. Bên cạnh đó, tập trung phát triển, quốc tế hóa các ngành mũi nhọn, nhu cầu xã hội cao, như: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh và các ngành ngôn ngữ (Anh, Trung, Hàn, Nhật). Mục tiêu, đến năm 2025, Đại học Đại Nam trở thành địa chỉ đào tạo được xã hội tín nhiệm cao về chất lượng đào tạo “học tập gắn liền với thực tiễn cuộc sống”; đạt được những thành tựu quan trọng về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học bảo vệ – chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

“Chúng ta còn 5 năm để thực hiện mục tiêu ngắn hạn này. Tuy nhiên, cần xác định rõ thế nào là tín nhiệm cao, lấy tiêu chí gì để đánh giá? Ví dụ về sự tín nhiệm cao của xã hội có thể định lượng bằng số lượng thí sinh đăng ký vào trường, tỷ lệ hồ sơ loại; về chất lượng đào tạo có thể đánh giá bằng chất lượng đầu vào, chất lượng chuẩn đầu ra, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, các công trình nghiên cứu, sáng chế được chuyển giao của thầy và trò…; về chuyển giao công nghệ có thể định vị bằng chất và lượng của các sản phẩm nghiên cứu khoa học được sản xuất thành hàng hóa, mang thương hiện Đại học Đại Nam”, TS. Lê Đắc Sơn phân tích.

Thứ ba, về giá trị cốt lõi. “Tích lũy niềm tin của xã hội” là giá trị cốt lõi Đại học Đại Nam xây dựng trong suốt 14 năm qua. Lòng tin xây dựng trên cơ sở của sự chính trực, chất lượng và hiệu quả.

Thứ tư, về triết lý giáo dục.“Học để thay đổi” là triết lý giáo dục của Đại học Đại Nam. Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định, nếu không có học thì không thay đổi được; nếu không học tập thì dù đi hàng ngàn vạn dặm, bạn cũng chỉ là người đưa thư. Chính vì thế, cần liên tục học tập để thay đổi, liên tục cập nhật kiến thức để thay đổi.

“Một cốc nước bẩn đổ vào 1 thùng nước sạch thì có 1 thùng nước bẩn; một cốc nước bẩn đổ vào một thùng rượu ngon thì có 1 thùng nước bẩn”. Nói như vậy để thấy một việc làm sai dù là rất nhỏ nhưng cũng có thể làm hại đến danh dự, uy tín của tổ chức. Và tại Đại Nam, tất cả những cái có hại, làm ảnh hưởng đến danh dự của nhà trường đều bị loại bỏ.

Với quan điểm “thầy phải giỏi thì trò mới giỏi”, Trường Đại học Đại Nam đã xây dựng chính sách thu hút tuyển dụng giảng viên, cán bộ quản lý giỏi; chính sách đánh giá giảng viên gắn với chế độ thu nhập; chính sách đánh giá cán bộ quản lý gắn với chế độ thu nhập; chính sách tài chính nghiên cứu khoa học cho giảng viên; chính sách bồi dưỡng – đào tạo cán bộ, giảng viên; chính sách lương thưởng… Tất cả nhằm mục tiêu, đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực gồm : Kiến Thức – Kỹ Năng – Thái Độ.

Để thực hiện chiến lược phát triển, Đại Nam đã xác định 05 nguyên tắc chiến lược. Nguyên tắc 1, xác định nhóm sinh viên (khách hàng), nhu cầu học tập của nhóm sinh viên (khách hàng) này và mức học phí nhà trường đưa ra. Nguyên tắc 2, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cho sinh viên gồm ngoại ngữ, kỹ năng mềm, văn hóa sống, nghề nghiệp. Nguyên tắc 3, từ bỏ những ngành nghề kém hiệu quả để tập trung vào những ngành nghề cốt yếu, gồm: Y, Dược, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh – truyền thông và các ngành ngôn ngữ. Nguyên tắc 4, kết nối chuỗi giá trị các ngành đào tạo với hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước và quốc tế (chuỗi doanh nghiệp, bệnh viện, công ty dược….). Nguyên tắc 5, chiến lược phải liên tục và định hình rõ nét sau 3 đến 5 năm để mọi người hiểu rõ.

Xây dựng lực lượng nòng cốt những người có hoài bão, yêu thích sự thách thức để thể hiện giá trị bản thân, được khuyến khích về tiền lương và được tôn vinh.

Cán bộ quản lý ở các cấp (Ban Giám hiệu, Khoa, Viện, Trung tâm) phải là người trực tiếp tạo động lực cho cán bộ, giảng dưới quyền. Mỗi cán bộ, giảng viên và nhân viên cấp dưới cùng tự mình thể hiện giá trị bản thân để bảo đảm lợi ích của nhà trường và của chính mình.

Song song với việc tự tạo động lực cho bản thân thì đừng làm giảm động lực của người khác (bè cánh, ghen tỵ, nói xấu những người tích cực…), nhất là cán bộ quản lý các cấp từ Ban Giám hiệu trở xuống.

Xây dựng và thường xuyên điều chỉnh hệ thống khen thưởng và củng cố, khích lệ để hỗ trợ chiến lược theo 5 nguyên tắc:

1, Kế hoạch khen thưởng phải áp dụng cho tất cả mọi người. Phần thưởng phải chiếm một phần tương đối lớn trong tổng số thu nhập (lương cơ bản để sống – thưởng nhiều để giàu).

2, Các tiêu chí đánh giá phải thể hiện những kết quả mà nỗ lực từng cá nhân có thể tác động được.

3, Khen thưởng phải được ràng buộc chặt chẽ với những mục tiêu đề ra trong chiến lược.

4, Hệ thống khen thưởng phải được triển khai cẩn thận, tỉ mỉ và không thiên vị.

5, Cải biến văn hóa để thực thi chiến lược thành công (Nói dễ, làm khó). “Nền văn hóa tốt là mọi việc phải được diễn tiến, thay đổi để có được kết quả mà bạn mong muốn”

Chủ tịch HĐ trường mong muốn mọi thành viên thấu hiểu chiến lược phát triển này để luôn có sự đồng thuận trong công việc, dần dần hiện thực hóa mục tiêu: “Đại Học Đại Nam là địa chỉ đầu tiên được người học lựa chọn”